Với tầm nhìn định vị Đồng Tháp trở thành “địa phương khởi nghiệp”, từ năm 2015, tỉnh phát động Chương trình khởi nghiệp, trong đó đã ban hành các kế hoạch với các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân trong mọi người dân, doanh nghiệp; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh hướng đến xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đồng Tháp.

Sản phẩm khởi nghiệp Lụa Sen Đồng Tháp. Ảnh: Thành Nhơn

Là tỉnh nông nghiệp, Đồng Tháp có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm khởi nghiệp từ nguồn tài nguyên bản địa. Để phát huy lợi thế, phát triển kinh tế, nâng cao chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, tỉnh xác định phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là chương trình khởi nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Trên cơ sở đó, nhiều năm qua, Đồng Tháp luôn thể hiện rõ quyết tâm “Đồng hành cùng doanh nghiệp” trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ ở Uỷ ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành tỉnh mà đã lan toả đến các tổ chức, địa phương trong tỉnh, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp Đất Sen hồng.

Từ khi phát động đến nay, Chương trình khởi nghiệp đã lan toả trong cộng đồng, nhiều dòng sản phẩm mới ra đời trên cơ sở tận dụng, phát huy nguồn tài nguyên bản địa, tập trung vào các ngành hàng chủ lực của tỉnh (lúa gạo, cá tra, sen v.v.), hướng đến đổi mới, sáng tạo, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh của địa phương.

Mỗi năm, Đồng Tháp có khoảng 400 doanh nghiệp được thành lập mới và có hơn 100 dự án tham gia các cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh, khu vực và quốc gia. Riêng trong năm 2022, toàn tỉnh có 86 dự án khởi nghiệp. Các dự án khởi nghiệp đạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi cấp khu vực và quốc gia, từng bước phát triển, được thị trường trong và ngoài nước đón nhận.

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá cao mô hình khởi nghiệp trồng quýt hồng trong nhà màng áp dụng công nghệ cao (tưới nhỏ giọt) ở huyện Lai Vung

Điển hình như đối với ngành hàng sen, với sự kết hợp của tri thức và tình yêu quê hương xứ sở, nhiều bạn trẻ đã rời phố về quê khởi nghiệp, miệt mài nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm độc đáo như: Hoa sen sấy khô, tranh sen, tơ sen, tinh dầu sen nổi tiếng trong và ngoài nước, tạo bước đột phá trong công nghệ chế biến, phát huy giá trị tài nguyên bản địa trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, người dân Đồng Tháp còn sáng tạo, tâm huyết khi khai thác thế mạnh của cây sen để chế biến trên 200 món ăn, thức uống bổ dưỡng, thân quen; trong đó có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao.

Về chính sách hỗ trợ, bên cạnh tạo điều kiện cho các bạn thanh niên có dự án khởi nghiệp tham gia các đề án, chương trình trọng tâm của tỉnh để tối ưu hoá nguồn lực như: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) hướng đến phát triển kinh tế thanh niên nông thôn, tỉnh còn tạo điều kiện tiếp cận các chính sạch hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh như: Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung, cầu; các chính sách hỗ trợ từ chương trình khuyến công, các chương trình đào tạo, tập huấn v.v..

Trong năm 2022, tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn cho 03 dự án được vay từ Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh. Trong đó, có 01 dự án được Hội đồng tư vấn khởi nghiệp tỉnh đồng ý hỗ trợ là dự án Phát triển hệ thống kinh doanh chuỗi quán ăn Xuyên Lục Địa. Song song đó, hiện nay, tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thí điểm Không gian Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp.

Một số sản phẩm khởi nghiệp từ sen Đồng Tháp

Có một thực tế là địa phương chưa có nhiều dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp - một thế mạnh của Đồng Tháp. Chính vì vậy, trung tuần tháng 12/2022, Đồng Tháp đã đăng cai tổ chức Diễn đàn Mekong Startup lần 1 với mong muốn tạo ra phong trào sâu rộng cho khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển doanh nghiệp và hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã đạt được một số kết quả khả quan, tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Để hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp có hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh sẽ định hướng tập trung phát triển về chất lượng, thúc đẩy các dự án tiềm năng trở thành những doanh nghiệp nhỏ và vừa; có sự chọn lọc, ưu tiên định hướng khởi nghiệp cho các lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh, chú trọng khởi nghiệp trong một số ngành đang có lợi thế và tiềm năng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng; hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo; ứng dụng khoa học và công nghệ, hệ thống quản lý tiên tiến vào sản xuất kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu, đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng Tháp thực hiện nhất quán phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp” đối với người đứng đầu các ngành, địa phương; khơi dậy và phát huy vai trò đồng hành, kết nối của các hiệp hội, hội, câu lạc bộ doanh nghiệp và khởi nghiệp để xây dựng được cộng đồng khởi nghiệp tại các địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh.

Theo Văn Khương - Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp