Sợi dứa, sợi sen, sợi gai… được dùng để làm trang phục, phụ kiện vừa thời trang vừa bền vững theo xu hướng quốc tế khiến nhiều khách tham quan và doanh nghiệp tại Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023 thích thú.

Tham gia Triển lãm Quốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023, với chủ đề "Dệt may Việt Nam: Mạnh hơn - Thông minh hơn - Xanh hơn" tổ chức tại TP.HCM ngày 22/3, nhiều khách bất ngờ và thích thú khi tận mắt thấy nhiều loại vải được làm từ sản phẩm nông nghiệp rất quen thuộc của Việt Nam như sợi dứa, sen, gai...

Lụa sen của chị Huỳnh Ngọc Như được sản xuất thành vải, khăn choàng và phụ kiện. Sản phẩm được dệt từ những sợi tơ sen nguyên sinh chất lượng cao tại Đồng Tháp, với thiết kế vải dệt độc quyền. Đặc biệt áp dụng kỹ thuật dệt tiên tiến của Nhật Bản giúp lụa chống nhăn, không co, không giãn khi sử dụng.

Gian hàng lụa sen được nhiều khách tham quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, khi đây vừa là sản phẩm mang tính bản địa, vừa thân thiện với môi trường. Chị Như tự hào về cây sen Đồng Tháp hiện được khai thác từ A-Z không phải bỏ đi bất cứ thứ gì.

Khách vây kín khu vực vải từ sợi dứa của của Ecosoi. Doanh nghiệp này mới thành lập vào năm 2021 và chọn đi theo hướng riêng là nghiên cứu sản xuất và phát triển sợi dứa. Khách tham quan và nhiều doanh nghiệp bất ngờ khi lá dứa được dùng để sản xuất thành sợi và dệt vải.

Những tấm vải sợi dứa sau khi thành phẩm được dệt màu theo yêu cầu và đặt hàng từ các đơn vị. Theo xu hướng dệt may xanh và bền vững, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu quan tâm đến vải được sản xuất từ sợi dứa.

Ông Nguyễn Văn Hạnh (bên phải) - Đồng sáng lập và là giám đốc sản xuất của Ecosoi, cho biết dứa là loại cây trồng phổ biến ở Việt Nam. Bà con nông dân thu hoạch hơn 1 triệu tấn quả dứa đồng thời thải bỏ vài triệu tấn lá dứa mỗi năm. Việc phát triển sợi dứa vừa là giải pháp ngành may mặc bền vững, vừa bảo vệ môi trường vừa nâng cao giá trị cây dứa, tạo sinh kế cho người dân nông thôn.

Công ty CP Tập đoàn Gai Thiên Phước khiến nhiều đối tác, doanh nghiệp trong ngành thích thú vì đi theo hướng dệt may bền vững và đặc biệt, doanh nghiệp chủ động được vùng nguyên liệu khoảng 6.000ha cây gai trên khắp lãnh thổ Việt Nam.

Sản phẩm từ sợi gai của công ty này hiện nay khá đa dạng và cam kết cung cấp đúng và đầy đủ các yêu cầu của khách hàng từ chất lượng, số lượng đến các chứng chỉ liên quan đến thành phần kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế.

Công ty Faslink lại có đến một loạt sản phẩm vải, thời trang đến từ các nguyên liệu thân thiện môi trường như sợi bạc hà, xơ dừa.

Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023 thu hút hơn 200 đơn vị tham gia triển lãm với hơn 1.500 mẫu vải được trưng bày và dự kiến đón hơn 2.000 lượt khách tham quan. Ngoài ra, còn có hoạt động kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp. Diễn ra trong 3 ngày (22/3-24/3), các diễn giả và chuyên gia sẽ chia sẻ về 3 thông điệp nổi bật: Các xu hướng Xuân hè 2024; Kỷ nguyên mới trong thiết kế thời trang; Tương lai là hôm nay.

Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại TP.HCM (VCCI-HCM) phối hợp cùng Công ty CP Giải pháp Dệt may Bền vững (Công ty STS) tổ chức. Triển lãm được đánh dấu là sự kiện triển lãm đầu tiên của năm 2023 trong bối cảnh toàn ngành dệt may đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid19, hướng đến mục tiêu phát triển ngành Dệt may gắn với Kinh tế tuần hoàn - Kinh tế xanh và Chuyển đổi số.

Theo Hồng Phúc - Dân Việt